Người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng đông đảo, nhưng không ít người vì những lý do khác nhau đã chọn cách sống và làm việc bất hợp pháp. Hành động này không chỉ vi phạm pháp luật Nhật Bản mà khi còn có thể khiến bạn bị trục xuất, lúc này việc quay lại được hay không phụ thuộc vào lý do trục xuất và quyết định từ phía cơ quan xuất nhập cảnh Nhật Bản. Dưới đây là các trường hợp cụ thể:
I. Trường hợp bị phát hiện vi phạm
Phần lớn các trường hợp vi phạm bị cảnh sát bắt sẽ áp dụng Trục xuất cưỡng chế (強制送還), đây là biện pháp mà chính phủ Nhật Bản áp dụng để buộc một cá nhân rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản khi họ vi phạm các quy định về luật nhập cảnh, cư trú, hoặc pháp luật khác. Đây là hình thức trục xuất bắt buộc, không cho phép cá nhân tự nguyện rời khỏi Nhật Bản.
1. Bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn
Nếu lao động bị trục xuất do vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhật Bản, như:
- Phạm tội hình sự nghiêm trọng.
- Hoạt động nhập cư bất hợp pháp.
- Buôn bán ma túy, vũ khí hoặc các hành vi đe dọa an ninh quốc gia.
Trong các trường hợp này, thường sẽ bị cấm nhập cảnh vĩnh viễn.
2. Bị cấm nhập cảnh tạm thời
Nếu lý do trục xuất không quá nghiêm trọng, như:
- Làm việc trái phép.
- Lưu trú quá thời hạn visa.
- Vi phạm các quy định nhỏ về lao động hoặc cư trú.
Thời gian cấm nhập cảnh thường kéo dài từ 1 năm, 5 năm, hoặc 10 năm tùy mức độ vi phạm.
Sau khi hết thời gian cấm nhập cảnh, người lao động có thể nộp đơn xin visa để quay lại Nhật Bản, nhưng cơ hội được chấp thuận sẽ thấp hơn vì hồ sơ vi phạm sẽ được lưu trữ trong hệ thống nhập cư Nhật Bản. Không chỉ gây khó khăn khi xin visa quay lại Nhật mà cả đến các quốc gia khác.

3. Xin phép quay lại trước thời gian cấm nhập cảnh
Trong một số trường hợp đặc biệt (như đoàn tụ gia đình, công việc cấp bách), người bị trục xuất có thể nộp đơn xin miễn trừ lệnh cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, thủ tục này phức tạp và yêu cầu phải có lý do chính đáng, cùng sự hỗ trợ từ tổ chức hoặc cá nhân bảo lãnh tại Nhật.
II. Trường hợp tự ra đầu thú tại Nyukan (Cục Xuất Nhập Cảnh)
Nếu bạn tự giác ra đầu thú, bạn sẽ được xử lý nhẹ hơn, thường chỉ bị áp dụng “lệnh tự nguyện hồi hương” (出国命令, Shukkoku Meirei) và bị cấm nhập cảnh trong:
- 1 năm đối với vi phạm nhẹ hoặc lần đầu.
- 2-3 năm đối với các trường hợp vi phạm lâu dài.
Một khi đã vi phạm thì việc ra đầu thú tại Nyukan sớm nhất có thể là cách tốt nhất để giảm nhẹ hậu quả và thời gian cấm nhập cảnh. Trong quá trình đầu thú, bạn nên hợp tác với cơ quan chức năng: Cung cấp thông tin chính xác và tuân thủ các quy định để được xử lý nhanh chóng. Sau khi về nước, hãy rút kinh nghiệm để tìm kiếm các cơ hội lao động hợp pháp, tránh lặp lại sai lầm.
III. Kết luận
Sống và làm việc hợp pháp không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của cộng đồng người Việt tại Nhật. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi sinh sống tại đất nước Nhật, đừng vì lợi ích trước mắt hay mức lương hấp dẫn mà chấp nhận làm việc bất hợp pháp, bởi hậu quả lâu dài có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đọc thêm bài viết về các hành vi Bất hợp pháp theo luật Nhật Bản để có được góc nhìn toàn diện hơn.
Nếu bạn đang tìm kiếm thông tin hoặc hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với các tổ chức hoặc cơ quan chức năng. Đừng để một quyết định sai lầm ảnh hưởng đến tương lai của bạn!