I. Giới thiệu về Oshogatsu – Tết Truyền Thống Nhật Bản
Oshogatsu (お正月) là Tết truyền thống của Nhật Bản, diễn ra từ ngày 1/1 đến ngày 3/1 hằng năm. Đây không chỉ là thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn mang ý nghĩa tâm linh quan trọng. Người Nhật tin rằng Toshigami-sama – vị thần năm mới sẽ ghé thăm từng gia đình để ban phước lành và may mắn.
Ý nghĩa của Oshogatsu:
- Đoàn tụ gia đình: Dịp để các thành viên sum họp, quây quần bên nhau.
- Tạ ơn năm cũ: Bày tỏ lòng biết ơn đối với những điều tốt đẹp đã qua và học hỏi từ những thử thách.
- Cầu mong khởi đầu mới tốt đẹp: Hướng tới một năm mới an khang, thịnh vượng.
- Lòng thành kính với thần linh và tổ tiên: Giữ gìn các giá trị truyền thống qua các nghi lễ và phong tục đặc biệt.
II. Các phong tục chuẩn bị cho năm mới tại Nhật Bản
1. Đại dọn dẹp cuối năm – Ōsōji (大掃除)

1a. Nguồn gốc của Ōsōji
Phong tục Ōsōji bắt nguồn từ truyền thống “susuharai” (煤払い) của cung đình Nhật Bản thời kỳ Heian (794–1185). “Susuharai” có nghĩa là quét bụi bẩn để làm sạch không gian sống và đền thờ trước khi đón thần linh Toshigami-sama (歳神様) – vị thần của năm mới.
1b. Ý nghĩa của đại dọn dẹp Ōsōji
- Làm sạch không gian để đón thần linh: Việc dọn dẹp kỹ lưỡng thể hiện sự tôn kính của gia chủ đối với vị thần Toshigami-sama (歳神様), cho thấy tâm ý của gia chủ sẵn sàng đón nhận may mắn, phúc lộc.
- Loại bỏ xui xẻo của năm cũ: Những điều không may mắn và ô uế của năm cũ sẽ bị loại bỏ theo bụi bẩn, tạo không gian tươi mới để chào đón những khởi đầu tốt đẹp.
- Tái tạo năng lượng tích cực: Nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp không chỉ mang lại cảm giác thoải mái mà còn giúp mọi người có tinh thần lạc quan và hứng khởi cho một bắt đầu mới.
- Kết nối gia đình: Đây là thời khắc quan trọng để các thành viên gác lại bộn bề, củng cố tình cảm và sự gắn kết.
1c. Phạm vi và quy trình dọn dẹp trong Ōsōji
Đại dọn dẹp Ōsōji thường bao gồm việc lau chùi toàn bộ nhà cửa, từ trần nhà, tường, cửa sổ cho đến từng ngóc ngách, đồng thời loại bỏ bớt những vật dụng không dùng đến để tạo không gian mới mẻ. Người Nhật thường tuân theo quy trình dọn dẹp bên dưới:
- Lau sạch bụi bẩn ở mọi góc nhà.
- Dọn dẹp tủ quần áo và loại bỏ vật dụng cũ.
- Vệ sinh các khu vực bếp, phòng tắm, nơi thường chứa nhiều vết bẩn khó làm sạch.
- Trang trí nhà cửa bằng các vật phẩm như Kadomatsu hay Shimenawa để chuẩn bị đón năm mới.
Cho đến này dù cuộc sống hiện đại vô cùng bận rộn, người Nhật vẫn duy trì phong tục Ōsōji vì ý nghĩa tinh thần lớn lao. Không chỉ giúp tăng cường chất lượng không gian sống còn đem đến một cảm giác khép lại năm cũ một cách trọn vẹn.
2. Trang trí nhà cửa với Kadomatsu và Shimenawa
Kadomatsu (門松) và Shimenawa (しめ縄) là hai vật phẩm trang trí đặc trưng và mang ý nghĩa quan trọng trong dịp Tết truyền thống của Nhật Bản (Oshogatsu).
2a. Kadomatsu – Biểu tượng chào đón thần linh Toshigami-sama
Kadomatsu (門松) là vật trang trí được đặt hành đôi ở hai bên lối vào nhà, cổng chính hoặc công ty, tạo sự cân đối và trang trọng. Thường được đặt từ cuối tháng 12 (trong khoảng 26/12 đến 28/12) và sẽ được tháo bỏ sau ngày 7 tháng 1. Người Nhật kiêng đặt Kadomatsu vào ngày 29/12 vì số “29” phát âm gần giống với từ “đau khổ” trong tiếng Nhật.
Kadomatsu được xem là biểu tượng chào đón vị thần năm mới Toshigami-sama (歳神様), người mang đến may mắn, sức khỏe và vụ mùa bội thu trong năm mới. Kadomatsu được làm từ ba thành phần chính:
- Tre: Tre xanh mướt và vươn cao tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sự phát triển và thịnh vượng. Phần ngọn tre được cắt chéo để tạo hình đẹp mắt.
- Cành thông: Lá thông tượng trưng cho sự trường thọ và sức mạnh bền bỉ vì cây thông luôn xanh tươi dù trong mùa đông giá lạnh.
- Dây rơm hoặc cành mận (Ume): Dây rơm kết nối thần linh và con người, còn cành mận nở hoa đầu xuân thể hiện vẻ đẹp thanh tao và khởi đầu tốt lành.
2b. Shimenawa – Dây thừng linh thiêng xua đuổi tà khí
Shimenawa (しめ縄) là một loại dây thừng thiêng làm từ rơm hoặc sợi gai, thường được trang trí tại các ngôi đền hoặc trong nhà (treo ở cửa chính, cổng vào, bên trong bếp, hoặc bàn thờ) vào dịp năm mới. Người Nhật tin rằng Shimenawa có khả năng xua đuổi tà khí, ngăn chặn điều xấu và đánh dấu không gian thiêng liêng nơi thần linh ngự trị.
Cấu tạo và cách trang trí Shimenawa:
- Dây rơm bện chắc chắn: Biểu tượng của sự thanh khiết, loại bỏ uế khí và bảo vệ ngôi nhà khỏi tà ma.
- Dải giấy trắng Shide (紙垂): Những mảnh giấy trắng hình zig-zag tượng trưng cho sự thiêng liêng và thanh tẩy.
- Trang trí phụ: Shimenawa thường được kết hợp với cành thông, cam quýt (daidai), và lá dương xỉ để cầu chúc sự may mắn, thịnh vượng và nối tiếp các thế hệ.
Cả Kadomatsu và Shimenawa đều không thể thiếu trong ngày Tết, ngoài việc làm đẹp không gian còn thể hiện sự tôn trọng đối với thần linh, tinh thần hướng về thiên nhiên và mong cầu bình an, may mắn trong năm mới.
3. Các món ăn truyền thống ngày Tết
Tết Oshogatsu không thể thiếu các món ăn đặc trưng như Osechi Ryori, Mochi và Kagami Mochi. Mỗi món ăn đều mang ý nghĩa tốt lành, thể hiện mong ước về một năm mới may mắn, thịnh vượng và sức khỏe
3a. Osechi Ryori (おせち料理) – Bộ món ăn may mắn ngày Tết
Osechi Ryori là bộ món ăn truyền thống ngày Tết của Nhật Bản, được xếp trong các hộp sơn mài gọi là Jubako (重箱), thể hiện lời chúc may mắn, sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới. Mỗi món ăn trong Osechi mang một ý nghĩa biểu trưng riêng:
- Kuromame (黒豆) – Đậu đen: Tượng trưng cho sức khỏe và sự chăm chỉ.
- Kazunoko (数の子) – Trứng cá trích: Biểu tượng cho sự sung túc, con đàn cháu đống.
- Tazukuri (田作り) – Cá cơm khô ngọt: Mang ý nghĩa mùa màng bội thu.
- Kuri Kinton (栗きんとん) – Hạt dẻ nghiền với khoai lang: Màu vàng tươi của món này tượng trưng cho tài lộc và sự giàu có.
- Datemaki (伊達巻) – Trứng cuộn ngọt: Biểu trưng cho học hành đỗ đạt và thành công.
- Ebi (海老) – Tôm: Tượng trưng cho tuổi thọ và sự trường tồn.
- Renkon (蓮根) – Củ sen: Mang ý nghĩa tương lai tươi sáng vì các lỗ trong củ sen tượng trưng cho tầm nhìn xa.

Các món ăn trên đều sẽ được chuẩn bị sẵn trước Tết và có thể bảo quản lâu, giúp các bà nội trợ được nghỉ ngơi trong những ngày đầu năm.
3b. Mochi (餅) – Bánh gạo truyền thống
Mochi là loại bánh gạo nếp được giã nhuyễn và nặn thành hình tròn hoặc vuông. Mochi thường được ăn vào dịp năm mới như một món ăn may mắn, tượng trưng cho sự no đủ và gắn kết gia đình.
Các món ăn từ Mochi trong ngày Tết
- Ozoni (お雑煮) – Súp bánh gạo Mochi
Ozoni là món súp truyền thống ăn vào ngày mùng 1 Tết, bao gồm bánh gạo Mochi nấu trong nước dùng với rau củ và các nguyên liệu khác. Món ăn này thể hiện sự ấm no, sung túc và khởi đầu suôn sẻ cho năm mới. - Kinako Mochi – Mochi phủ bột đậu nành rang
Mochi sau khi được nướng hoặc hấp sẽ được phủ một lớp bột đậu nành (Kinako) và đường. Đây là món ăn nhẹ nhàng, mang lại hương vị bùi béo và ngọt ngào của đậu nành.
3c. Kagami Mochi (鏡餅) – Vật phẩm trang trí thiêng liêng
Kagami Mochi là bánh gạo trang trí gồm hai tầng, với tầng bánh nhỏ đặt lên tầng bánh lớn, phía trên là một quả cam quýt (Daidai). Mỗi thành phần đều mang một ý nghĩa rất đặc biệt:
- Hai tầng bánh Mochi: Tượng trưng cho sự chồng chất của hạnh phúc và may mắn.
- Quả cam Daidai (橙): Có ý nghĩa “đời đời nối tiếp”, tượng trưng cho sự trường tồn và gia đình sung túc qua nhiều thế hệ.
- Hình dạng tròn: Đại diện cho sự hài hòa, viên mãn và trọn vẹn trong cuộc sống.
Phong tục Kagami Biraki (鏡開き)
Sau ngày Tết (thường vào ngày 11/1), người Nhật tiến hành nghi thức Kagami Biraki – “mở bánh gương”. Bánh Mochi sẽ được đập nhỏ ra và nấu thành các món ăn như súp Ozoni hoặc nướng ăn kèm với đậu đỏ. Điều này tượng trưng cho sự khởi đầu mới và tận dụng phúc lộc từ thần linh.
Các món ăn như Osechi Ryori, Mochi, và Kagami Mochi không chỉ là nét văn hóa ẩm thực độc đáo mà còn chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc trong ngày Tết Oshogatsu của người Nhật. Mỗi món ăn mang theo lời chúc may mắn, trường thọ và thịnh vượng, phản ánh tinh thần kính trọng thần linh và sự khởi đầu mới đầy hy vọng.
4. Lễ viếng đền đầu năm – Hatsumōde (初詣)
Hatsumōde (初詣) là buổi viếng thăm đền thờ Thần đạo (Jinja) hoặc chùa Phật giáo (Otera) đầu tiên trong năm mới, thường diễn ra từ đêm Giao thừa (31/12) đến ngày 3 tháng 1. Đây là một trong những phong tục thiêng liêng và ý nghĩa nhất trong dịp Tết truyền thống của Nhật Bản (Oshogatsu)

4b. Ý nghĩa của Hatsumōde
- Cầu bình an và may mắn: Người Nhật tin rằng việc viếng đền đầu năm sẽ giúp xua đuổi điều xui xẻo và mang lại may mắn, sức khỏe, tài lộc cho cả năm.
- Bày tỏ lòng biết ơn: Cảm ơn thần linh vì đã che chở một năm đã qua và cầu mong cho một năm mới an lành.
- Khởi đầu mới: Hatsumōde đánh dấu một thời khắc quan trọng, giúp mọi người hướng đến tương lai với tinh thần lạc quan và hy vọng.
4c. Các hoạt động chính trong Hatsumōde
- Lễ cầu nguyện (Saisen và Omairi): Khi đến đền thờ, người Nhật thường thực hiện nghi thức:
+ Rửa tay và súc miệng ở khu vực Temizuya để thanh tẩy thân thể và tâm hồn.
+ Ném một ít tiền xu vào hòm công đức (Saisen-bako).
+ Cúi đầu, vỗ tay hai lần để tỏ lòng thành kính, cầu nguyện điều ước cho năm mới.
- Xin quẻ bói đầu năm – Omikuji (おみくじ)
Omikuji là các quẻ bói viết trên giấy, có thể mang ý nghĩa từ đại cát (rất may mắn) đến đại hung (xui xẻo). Nếu nhận được quẻ tốt, người Nhật sẽ mang về nhà; nếu là quẻ xấu, họ sẽ buộc lên các cành cây hoặc giá đỡ trong đền để xua tan điềm xấu.
- Mua bùa hộ mệnh – Omamori (お守り)
Omamori là các lá bùa may mắn có nhiều công dụng như cầu sức khỏe, tình duyên, học hành hay tài lộc. Mỗi năm, người Nhật thường mua bùa mới và đem bùa cũ trả lại đền thờ để đốt theo nghi thức.
- Thỉnh chuông tại chùa – Joya no Kane (除夜の鐘)
Tại các ngôi chùa, người ta sẽ gióng 108 tiếng chuông vào đêm giao thừa để xua tan 108 điều phiền não trong tâm hồn theo quan niệm Phật giáo.
4d. Trang phục và không khí trong Hatsumōde
- Nhiều người chọn mặc Kimono truyền thống khi đi viếng đền để thể hiện sự tôn kính và đậm nét văn hóa Nhật Bản.
- Các quầy hàng bán đồ ăn vặt như takoyaki, yakitori, dango và các món ngon khác tạo nên không khí nhộn nhịp và ấm cúng trong ngày đầu năm.

5. Truyền thống lì xì – Otoshidama (お年玉)
Otoshidama (お年玉) – phong tục lì xì ngày Tết truyền thống của Nhật Bản. Người lớn sẽ tặng tiền cho trẻ em trong dịp năm mới để chúc phúc và khích lệ. Phong tục này tương tự với việc lì xì trong Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông như Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên Otoshidama có nguồn gốc và ý nghĩa riêng biệt trong văn hóa Nhật Bản.
5a. Nguồn gốc của Otoshidama
Phong tục Otoshidama có nguồn gốc từ truyền thống dâng bánh gạo Mochi lên thần Toshigami-sama (歳神様) vào ngày Tết để cầu phúc lành. Sau đó, người Nhật chia bánh gạo Mochi này cho trẻ em như một “món quà may mắn” để nhận được phúc khí từ thần linh. Về sau, thay vì bánh gạo Mochi, người Nhật chuyển sang tặng tiền mặt như một cách khích lệ trẻ em trong năm mới.
5b. Ý nghĩa của Otoshidama
- Mang lại may mắn và phúc lộc: Otoshidama là lời chúc tốt đẹp dành cho trẻ nhỏ, mong các em sẽ khỏe mạnh, ngoan ngoãn và gặp nhiều may mắn trong năm mới.
- Khích lệ và giáo dục trẻ: Việc tặng tiền đầu năm còn mang ý nghĩa khuyến khích trẻ em học cách tiết kiệm và quản lý tiền bạc từ sớm.
- Gắn kết tình thân: Otoshidama thể hiện tình cảm yêu thương của người lớn dành cho con cháu, giúp củng cố tình thân giữa các thế hệ trong gia đình.
5c. Cách thực hiện phong tục Otoshidama
Số tiền lì xì: Số tiền được tặng trong Otoshidama thường tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ em và mối quan hệ với người tặng.
- Trẻ nhỏ (mầm non): Khoảng 1.000 – 2.000 yên.
- Học sinh tiểu học: Khoảng 3.000 – 5.000 yên.
- Học sinh trung học: Khoảng 5.000 – 10.000 yên.
- Học sinh cấp 3 trở lên: Có thể từ 10.000 yên trở lên tùy gia đình.
Phong bao lì xì – Pochibukuro
- Tiền Otoshidama được đặt trong Pochibukuro (ポチ袋), loại phong bao nhỏ xinh, thường trang trí với hình ảnh hoa lá mùa xuân, linh vật năm mới hoặc các nhân vật hoạt hình đáng yêu.
- Người tặng thường ghi tên của trẻ lên phong bao để thể hiện sự chu đáo và ý nghĩa của món quà.
Cách trao Otoshidama
- Otoshidama thường được trao vào ngày mùng 1 Tết khi các gia đình tụ họp chúc mừng năm mới.
- Trẻ em nhận Otoshidama bằng cả hai tay và cúi đầu cảm ơn như một phép lịch sự truyền thống của người Nhật.

5d. Giá trị văn hóa của Otoshidama trong xã hội hiện đại
Phong tục Otoshidama vẫn được người Nhật gìn giữ và trân trọng đến hiện tại. Đây không chỉ là món quà về vật chất mà còn mang giá trị tinh thần, giúp trẻ em cảm nhận được không khí ấm áp, sum họp của ngày Tết truyền thống. Bên cạnh đó, Otoshidama còn mang tính giáo dục khi nhiều gia đình khuyến khích con trẻ tiết kiệm, hoặc sử dụng tiền một cách có ý nghĩa như mua đồ dùng học tập hoặc đóng góp vào quỹ tiết kiệm cho tương lai.
6. Trò chơi và hoạt động giải trí ngày Tết
Trong ngày Tết, bên cạnh các nghi lễ và phong tục cầu may, người Nhật còn tổ chức những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng và vui nhộn. Những trò chơi như Takoage (thả diều), Hanetsuki (đánh cầu lông truyền thống) và Karuta (chơi bài với thơ Haiku) không chỉ tạo không khí sôi động, mà còn thể hiện nét văn hóa tinh tế của người Nhật. Hãy cùng khám phá nhé!
1. Takoage (たこ揚げ) – Thả diều ngày đầu năm
Takoage là trò chơi thả diều truyền thống của Nhật Bản, phổ biến nhất vào ngày đầu năm mới. Diều được làm từ tre, giấy Washi (loại giấy truyền thống của Nhật), và được trang trí bằng những hình ảnh rực rỡ, đặc biệt là các biểu tượng linh vật của năm mới, hoa văn truyền thống hoặc hình các chiến binh Samurai để cầu mong sức mạnh và bảo hộ. Người Nhật tin rằng việc thả diều cao trên bầu trời mang ý nghĩa xua đuổi vận rủi, đón may mắn và hạnh phúc cho gia đình trong năm mới.
Các gia đình, đặc biệt là trẻ em, thường sẽ tập trung tại những bãi đất trống, công viên hoặc bờ sông để cùng nhau thả diều, tạo nên một khung cảnh sống động, rộn ràng trong ngày đầu năm mới.
2. Hanetsuki (羽根つき) – Đánh cầu lông truyền thống
Hanetsuki là trò chơi truyền thống tương tự như đánh cầu lông nhưng không sử dụng lưới. Trò chơi này xuất hiện từ thời Heian (794-1185) và phổ biến vào dịp Tết với ý nghĩa xua đuổi tà ma và cầu chúc sức khỏe, may mắn cho trẻ em. Mục tiêu của trò chơi là đánh quả cầu lông qua lại mà không để nó rơi xuống đất. Người ta tin rằng nếu cầu lông (Hane) rơi xuống đất càng ít thì trẻ em sẽ càng khỏe mạnh trong năm tới. Để chơi Hanetsuki chúng ta cần có:
- Vợt (Hagoita): Là loại vợt bằng gỗ, được trang trí với các họa tiết đẹp mắt như hình Geisha, hoa anh đào hay các nhân vật nổi tiếng trong văn hóa Nhật.
- Quả cầu (Hane): Là quả cầu nhỏ làm từ hạt bồ đề và lông chim.
Ngoài việc chơi Hanetsuki, vợt Hagoita còn được dùng để trang trí nhà cửa như một vật phẩm may mắn, đặc biệt là với gia đình có bé gái.
3. Karuta (かるた) – Chơi bài với câu thơ Haiku
Karuta là trò chơi bài truyền thống của Nhật Bản. Trò chơi này không chỉ giải trí mà còn mang tính giáo dục, giúp mọi người ghi nhớ các câu thơ và tác phẩm văn học nổi tiếng của Nhật Bản.

Các loại bài Karuta
1. Uta Garuta (歌がるた) – Chơi bài với thơ Tanka hoặc Haiku nổi tiếng:
Bộ bài gồm hai loại:
- Yomifuda: Thẻ bài có viết toàn bộ bài thơ.
- Torifuda: Thẻ bài có phần kết của bài thơ hoặc câu ngắn gọn.
Người chơi phải nhanh tay tìm đúng thẻ bài khi người đọc đọc lên phần đầu của bài thơ.
2. Iroha Karuta (いろはかるた) – Dành cho trẻ em học chữ cái và đạo lý sống:
Mỗi thẻ bài có một chữ cái Hiragana kèm theo câu nói mang ý nghĩa giáo dục và đạo đức. Người đọc (Yomi-te) sẽ đọc một câu thơ từ thẻ Yomifuda. Người chơi sẽ tìm thẻ Torifuda có câu thơ khớp với nội dung được đọc. Ai nhanh tay và tìm đúng nhiều thẻ bài nhất sẽ chiến thắng.
Ngoài ý nghĩa giáo dục, trò chơi này còn giúp kết nối gia đình, bầu không khí trở nên ấm cúng, vui vẻ và đầy ý nghĩa trong ngày Tết khi cả gia đình cùng quây quần chơi Karuta
7. Mua sắm năm mới – Fukubukuro (福袋)
Fukubukuro (福袋) trong tiếng Nhật có nghĩa là “túi may mắn”. Đây là những chiếc túi hoặc hộp hàng hóa được các cửa hàng bán vào dịp đầu năm mới với giá cố định, nhưng bên trong lại chứa các món đồ bí ẩn. Giá trị thực tế của các sản phẩm trong túi thường cao hơn rất nhiều so với giá bán. Phong tục này không chỉ tạo nên không khí mua sắm sôi động mà còn mang đến niềm vui bất ngờ cho khách hàng.
Ví dụ: Một túi Fukubukuro có giá bán 10.000 yên có thể chứa các món hàng có tổng giá trị lên đến 20.000 hoặc 30.000 yên.
7a. Nguồn gốc và ý nghĩa của Fukubukuro
Phong tục Fukubukuro bắt đầu từ thời Meiji (1868-1912) tại các cửa hàng bách hóa ở Tokyo. Ban đầu, đây là cách để các cửa hàng bán hết hàng tồn kho trong dịp năm mới. Tuy nhiên, dần dần, Fukubukuro trở thành một truyền thống mang đến niềm vui bất ngờ và được nhiều người mong chờ mỗi dịp đầu năm.
Tên gọi Fukubukuro bắt nguồn từ ý nghĩa:
- “Fuku” (福): May mắn, phúc lộc.
- “Bukuro” (袋): Túi.
Fukubukuro được xem là một cách chia sẻ may mắn và tài lộc đầu năm giữa cửa hàng và khách hàng. Ngoài ra, Fukubukuro còn thể hiện tinh thần “cân bằng” của người Nhật: người mua nhận được giá trị lớn hơn so với số tiền bỏ ra, còn các cửa hàng thì giải phóng hàng tồn và khởi đầu một năm mới thuận lợi.
7b. Cách thức mua sắm Fukubukuro
Fukubukuro thường được bán từ ngày 1 tháng 1 đến khoảng ngày 3 tháng 1 mỗi năm. Một số cửa hàng lớn thậm chí mở bán ngay sau đêm giao thừa. Các bước mua Fukubukuro như sau:

- Chọn cửa hàng: Fukubukuro có mặt ở hầu hết các cửa hàng, từ thời trang, mỹ phẩm, đồ điện tử đến đồ gia dụng và thực phẩm.
- Xếp hàng: Nhiều cửa hàng lớn về thời trang, công nghệ, thực phẩm đều tham gia hoạt động ngày. Các thương hiệu lớn có thể kể đến như Apple, Yodobashi, Uniqlo, GU, Zara, Muji, Starbucks thu hút hàng dài khách hàng xếp hàng từ sáng sớm để chờ mua Fukubukuro.
- Mua túi may mắn: Mỗi khách hàng thường chỉ được mua một hoặc hai túi Fukubukuro để đảm bảo công bằng.
7c. Một số lưu ý khi mua Fukubukuro
- Hãy xếp hàng sớm: Những túi may mắn từ các thương hiệu nổi tiếng thường hết rất nhanh chỉ trong vài giờ đầu tiên.
- Tìm hiểu thông tin trước: Nhiều cửa hàng công bố trước giá trị và gợi ý các món đồ có thể xuất hiện trong Fukubukuro.
- Không hoàn trả: Hầu hết Fukubukuro không cho phép đổi trả, vì vậy hãy cân nhắc trước khi mua.
8. Ý nghĩa ngày làm việc đầu tiên – Shigoto Hajime (仕事始め)
Shigoto Hajime (仕事始め) – có nghĩa là “bắt đầu công việc”, hay còn hiểu là ngày làm việc đầu tiên trong năm mới. Shigoto Hajime một phong tục quan trọng trong dịp Tết truyền thống của Nhật Bản, thường diễn ra vào ngày 4 hoặc 5 tháng 1, sau kỳ nghỉ Tết Oshogatsu.
8a. Nguồn gốc và ý nghĩa của Shigoto Hajime
Phong tục Shigoto Hajime bắt nguồn từ thời kỳ Heian (794–1185), khi các gia đình nông dân thực hiện nghi thức bắt đầu công việc đồng áng đầu tiên trong năm, với hy vọng một mùa vụ bội thu và nhiều may mắn. Ngày nay, Shigoto Hajime không còn chỉ giới hạn trong nông nghiệp mà đã mở rộng ra mọi lĩnh vực công việc, từ doanh nghiệp, trường học cho đến công sở.
Ý nghĩa của Shigoto Hajime
- Khởi đầu mới thuận lợi: Ngày làm việc đầu tiên tượng trưng cho sự khởi đầu mới mẻ, suôn sẻ và thành công.
- Tinh thần làm việc: Shigoto Hajime thể hiện tinh thần lao động chăm chỉ, trách nhiệm và sự cam kết của người Nhật đối với công việc.
- Cầu may mắn và thành công: Đây cũng là dịp để cầu chúc cho công việc thuận lợi, kinh doanh phát đạt và đạt được các mục tiêu trong năm mới.
8b. Các hoạt động trong ngày Shigoto Hajime
1. Buổi chào hỏi đầu năm (Shinnen no Aisatsu)
Trong ngày làm việc đầu tiên, các doanh nghiệp và cơ quan tổ chức buổi họp ngắn, nơi các nhân viên và lãnh đạo gửi lời chúc mừng năm mới nhau. Những lời chúc như “Akemashite Omedetou Gozaimasu” (Chúc mừng năm mới) và “Kotoshi mo Yoroshiku Onegaishimasu” (Mong được hợp tác tốt trong năm nay) được trao nhau với hy vọng làm việc suôn sẻ.
2. Lễ viếng đền cầu may (Shigoto Hajime no O-mairi)
Nhiều doanh nghiệp và người lao động tổ chức đi lễ đền thờ để cầu may mắn trong công việc, kinh doanh thành công và tránh những rủi ro trong năm mới. Các đền nổi tiếng như Kanda Myojin (Tokyo) hoặc Osaka Tenmangu (Osaka) thường đón nhiều doanh nhân và công ty đến cầu nguyện vào ngày này.
3. Nghi lễ truyền thống trong một số ngành nghề
Các ngành nghề truyền thống như ngư nghiệp, nông nghiệp hoặc thủ công thường thực hiện nghi lễ bắt đầu công việc một cách long trọng, bao gồm việc dâng lễ vật cho thần linh để xin phúc lành. Ví dụ: Kagura (những điệu nhảy thần thánh) hoặc các lễ hội nhỏ thường được tổ chức tại các địa phương.
4. Cùng đặt ra mục tiêu và kế hoạch
Trong ngày Shigoto Hajime, nhiều công ty khuyến khích nhân viên viết ra kế hoạch làm việc và mục tiêu trong năm mới để thể hiện sự quyết tâm và định hướng rõ ràng.

5. Shigoto Hajime và tinh thần lao động của người Nhật
Ngày làm việc đầu tiên – Shigoto Hajime phản ánh rõ nét văn hóa làm việc nghiêm túc và trách nhiệm của người Nhật. Trong ngày này, không khí làm việc tại Nhật Bản mang màu sắc hào hứng, trang trọng và đầy hy vọng. Dù vẫn còn vương vấn không khí Tết, nhưng người Nhật luôn bắt đầu công việc với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều công ty còn tặng quà đầu năm hoặc phát bao lì xì nhỏ (Otoshidama) cho nhân viên để khích lệ tinh thần làm việc.
Phong tục này cũng thể hiện sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, khi người Nhật không chỉ làm việc chăm chỉ mà còn hướng đến sự cân bằng giữa tâm linh và thực tế, tôn trọng thần linh và giữ vững tinh thần lao động.
9. Kết luận – Nét đẹp văn hóa trong ngày Tết Nhật Bản
Oshogatsu không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn là thời gian để người Nhật thể hiện lòng tôn kính, biết ơn và hy vọng vào năm mới. Sự tinh tế trong phong tục, ẩm thực và truyền thống của người Nhật tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo và đầy ý nghĩa. Nếu bạn đang sinh sống tại Nhật Bản, đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia vào các hoạt động ý nghĩa ở trên để hiểu thêm về văn hoá Nhật Bản, đồng thời khởi đầu một năm mới đầy niềm vui và may mắn nhé!